Yarlung Tsangpo – Sông thánh chảy về đâu?

Sau một ngày rưỡi dạo quanh Lhasa, chúng tôi lên đường hướng về thị trấn Gyantse để kịp chiêm bái Bạch Vân Cư Tự vào cuối buổi chiều trong ngày thứ 3 của cuộc hành trình.
Đây được xem là một trong những cung đường vàng đẹp nhất trên chuyến đi. Bắt đầu khởi hành dọc theo dòng sông thánh Yarlung Tsangpo, lên đèo Gambala Yamdrok với độ cao 4.806m để ngắm hồ Yamdrok – 1 trong 4 hồ thiêng nhất toàn Tây Tạng, sau đó vượt tiếp qua đèo Karola 5.290m ngắm sông băng vĩnh cửu Karola ở độ cao 5.022m, rồi dừng chân tại Trấn Giang Tử (Gyantse) để nghỉ lại đêm nay.

Yarlung Tsangpo – dòng sông thánh của Tây Tạng lưu giữ mọi mầm sống ngặt nghèo, hiếm hoi của Hymalaya…

Những thảo nguyên mênh mông trải rộng ngút ngàn…

 

Tháng 06|2023

#nguyenngocdieu


Triết lý của dòng sông chảy ngược

Trước khi hạ cánh xuống sân bay Gongkhar, mọi người có dịp được chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ vỹ của dòng Yarlung Tsangpo. Nếu bay cao hơn nữa, ta sẽ thấy dòng Yarlung Tsangpo chảy ra biển Bengai cùng dòng sông Indus chảy ra vịnh Ai Cập giống như hai vòng tay ôm lấy Hymalaya và bán đảo Ấn Độ. Nhưng làm thế nào để có thể duy trì được dòng chảy kia trên những trơ trụi đá và cát khô khát? Yarlung Tsangpo khác chi váng nước màu lục ngọc mỏng tang dính trên cát bỏng. Trên đường từ sân bay về Lhasa, bạn nên dừng chân bên dòng Yarlung Tsangpo để chứng kiến một điều lạ lùng hơn: trên một dòng sông làm sao lại có hai dòng chảy xuôi ngược?

Dãy núi Hymalaya hùng vỹ chính là nơi khởi phát của những dòng sông vỹ đại như  Hoàng Hà, Trường Giang, Mê Kông, Hằng Hà và Yarlung Tsangpo nhưng nếu khác lạ chỉ có dòng Hoàng Hà khi đổ về đến Cam Túc đột nhiên đổi ngược hướng chảy về Tây một khúc ngắn sau lại xuôi về Đông. Quanh đỉnh núi thánh Ngân Sơn, tín đồ đạo Phật coi núi như Tudi- trục nối của vũ trụ, cũng là nơi xuất phát của bốn dòng sông thánh. Sông Karlani khởi phát từ miệng chim công, sông Satlej chảy từ miệng voi, sông Indus chảy từ miệng sư tử những con vật cưỡi của các vị Thiền Phật. Nhưng chỉ có Yarlung Tsangpo khởi thuỷ từ hàm ngựa là có cái bất thường, lạ lùng.

Những tín đồ thì loan truyền là mọi thứ đều có thể trên lãnh địa của các chư thiên. Còn những Lạt Ma lại lý giải đó là biểu hiện của những quy luật cùng tồn tại những mặt đối lập để tiến tới cái hoà hợp, phát triển của tốt – xấu, thiện- ác, âm – dương.

Ảo giác từ Yarlung Tsangpo

Loay hoay mãi mới tìm được một bụi cây cỏ thơm bên dòng Yarlung Tsangpo, những thân cỏ mà tôi thường thấy tín dân vẫn đốt lên ở Jokhang, ngôi đền thiêng liêng nhất ở Tây Tạng như sấy tẩm thêm cho ngôi đền chút linh khí. Mặc dù Yarlung Tsangpo có khúc tồn tại 2 dòng xuôi ngược nhưng con sông chỉ rộng lớn hơn ở hạ lưu và dường như bao mềm mại, mơn mởn, tươi xanh đều đã lặng lẽ trôi tuột về dưới xuôi, về hướng Đông, nơi có đồng bằng châu thổ với những toà nhà cao như núi san sát bên nhau. Dòng chảy ngược thì dài, nhọc nhằn, gồng gánh lắm tựa như những mao mạch nhỏ, rất nhỏ trong thân cành cỏ thơm. Trong nắng gắt, bão cát, gió tuyết rễ mảnh cứ cố bám vào đá, thân cành cố hứng vớt thêm từng bụi nước vỡ ra từ những con sóng để chắt chiu cho người Tây Tạng những vị thơm, ngọt, rất đậm và quyến luyến. Trong những kỷ vật mang về từ Tây Tạng, tôi chỉ có 4 hòn sỏi dưới chân đỉnh Everest và một nhánh cỏ khô này.

Tôi làm điều đó vì ngỡ rằng, sau biến động của Trái đất thì chính hàng triệu triệu thế hệ cây cỏ nhỏ nhoi này đã âm thầm níu giữ lại những hạt mùn đất để gây dựng bên dòng Tsangpo một thung lũng Yarlung. Để từ đó muôn đời vương tử, vua chúa cùng Lạt Ma vun đắp nên Tây Tạng hôm nay. Để có nơi chốn cho Tùng Tán Cương Bố xuất lộ tài năng thúc đẩy Tây Tạng thành một đế chế hùng mạnh, để vua TRISONG – DETSEN vời được 2 đại sư tịch hộ, liên hoa sinh thi triển thần thông, nhiếp phục ma quỷ, đặt nền móng cho việc phát triển Đạo Phật.

Dòng sông Yarlung Tsangpo dài 2.700km ôm ấp núi thánh Ngân Sơn cao 7.700m để sản sinh ra Tây Tạng huyền bí. Tôi chợt liên tưởng, nếu không có Yarlung Tsangpo cùng những cỏ cây nhỏ bé kia liệu có thể tồn tại một rực rỡ linh ảnh của Trời Đất như thế không hay dưới chân Himalaya lại có thêm một sa mạc Gobi không có dấu tích sự sống.

Cho đến bây giờ cố công tìm và hỏi, tôi vẫn chưa biết tên loài có cây ấy là gì. Có lẽ, mọi giá trị thực, những điều vĩ đại lại thường vô danh? Tây Tạng là một ảo ảnh của Yarlung Tsangpo.

Xuân Bình (Dân Trí)


Trả lời