Chúng tôi theo Thầy đến Khổ Hạnh Lâm (Pragbodhi) vào một buổi sáng cuối mùa mưa trên con đường vắng lặng, xe chạy khoảng mấy cây số thì đến làng Kiriyarma. Vầng dương vừa ló dạng sau dãy đồi cao khoảng 60m và dài chừng 6km với rừng cây thấp thoáng sau xóm nhà mái tranh và những cụm cây Chà Là nhấp nhô đón chúng tôi đến viếng nơi này.
Con đường lên núi quanh co với những ngọn đồi khô khốc đá, những người ăn xin ngửa tay trông chờ lòng tốt của khách hành hương, những con thú lang thang giữa triền đồi vắng cỏ…dừng chân một chốc giữa lưng chừng đồi để phóng tầm mắt từ trên cao nhìn bao quát ngôi làng Bakraur, nơi xưa kia Đức Phật vẫn thường đến khất thực và trông về rặng núi Dhunheswara hùng vĩ trùng điệp ngàn dặm phía xa, trước khi cất bước lên tới hang Khổ Hạnh (Dungeshwari) – nằm bên trong sườn núi đá vĩ đại, nơi thờ một pho tượng Bồ tát Khổ Hạnh – để lần lượt chiêm bái và đảnh lễ theo dòng người.
Trải qua hơn 2.500 năm với biết bao dâu bể, những gì còn lại nhắc người đời nhớ về Khổ Hạnh Lâm đó chính là nơi đánh dấu một chặng đường quan trọng của Đức Phật trước khi Ngài thành đạo. Tại khu rừng này, Ngài đã trải qua nhiều giai đoạn tu tập với lối sống khổ hạnh tột đỉnh. Ngày nay, mặc dù bóng dáng của những nhà tu khổ hạnh không còn nữa, thế nhưng cảnh sống cơ cực của người dân Bakraur dường như không khá lên, hay thậm chí còn khốn khó hơn so với mấy nghìn năm về trước, khiến cho cái tên Khổ Hạnh Lâm – tên của một khu rừng thuộc thị trấn Uruvela (Ưu Lâu Tần Loa), bên dòng sông Naranjana (Ni Liên Thiền), thuộc tiểu bang Bihar ở Ấn Độ – như càng khắc sâu vào tâm khảm nhân thế.
Bình mình ở Khổ Hạnh Lâm…
Ngày nay, ngọn đồi này có tên là Dhongra, cách làng Bakraur chừng 1,6 km về phía Đông Bắc, dọc theo bờ sông Ni Liên Thiền.
Tại thánh tích này, có lẽ do quá khô cằn, nên chỉ có duy nhất một ngôi chùa Tây Tạng với vài vị sư sớm hôm kinh kệ. Ngôi chùa dễ dàng được xác định từ xa bởi một lùm cây xanh mát hy hữu trên lưng chừng đồi.
“Vì Ta ăn quá ít mỗi ngày, nên cơ thể Ta trở nên hết sức gầy yếu. Tay chân Ta như các lóng tre khô đầy khúc khuỷu. Hai bàn tọa của Ta trở thành giống như móng trâu, xương sống với cột tủy lồi ra trông giống chuỗi hạt. Xương sườn Ta lộ rõ như rui cột của ngôi nhà đổ nát. Ðồng tử của Ta nằm sâu trong hố mắt thăm thẳm long lanh giống như ánh nước long lanh từ dưới giếng sâu. Da đầu Ta khô héo nhăn nheo như trái mướp đắng được cắt đem phơi nắng khô héo nhăn nheo. Nếu Ta muốn sờ da bụng thì Ta đụng nhằm xương sống vì hai thứ đã dính sát vào nhau. Nếu Ta muốn đi đại tiện hay tiểu tiện thì Ta ngã úp mặt xuống đất. Nếu Ta chà xát tay chân thì đám lông hư mục rụng xuống trong tay Ta”.
Đức Phật đã mô tả về chính bản thân khi Ngài tu khổ hạnh trong kinh Trung Bộ một cách sống động như thế. Căn cứ theo những lời kể của Ngài, ngày nay người ta đã tạc một pho tượng Bồ tát Khổ Hạnh để thờ tại hang đá Dungeshwari trên đồi, nơi Đức Phật từng trú ngụ trong một thời gian dài.
Hang Khổ Hạnh nằm bên phải sườn núi đá vĩ đại, đường vào động là một cánh cửa nhỏ rất hẹp, đi từng người một. Bên trong động có một bàn thờ nhỏ đặt ở giữa động, trên bàn thờ là một pho tượng Bồ tát Khổ Hạnh, một cái lư nhan, hai ngọn đèn nhỏ thắp sáng.
From Pragbodhi with
Tháng 10|2022