Câu chuyện về tinh thần kiến quốc của người Nhật ở Bảo tàng Dejima – Nagasaki

Chào mừng các bạn đến với Dejima – một địa danh lịch sử của thành phố Nagasaki để cùng chúng tôi tham quan và tìm hiểu lịch sử cận đại Nhật Bản. Trong suốt 200 năm thời kỳ tỏa quốc của chính quyền Mạc Phủ, nơi đây được xem là cửa ngõ thương mại duy nhất của Nhật Bản với phương Tây, là cái nôi của khoa học kỹ thuật cận đại Nhật Bản, là một cánh cửa để người Nhật nhìn ra thế giới.

Dejima là một hòn đảo nhân tạo rộng 15.000 m2 được chính quyền Mạc Phủ xây cất cho người Hà Lan mướn để lập văn phòng cho các công ty thương thuyền và làm nhà ở cho nhân viên. Trong những đoàn thương nhân này, có những vị bác sĩ đến đây để chăm sóc sức khoẻ cho nhân viên và thủy thủ. Những sĩ phu yêu nước không phân biệt giai cấp từ Edo (Tokyo), Kyoto, Osaka, đã lũ lượt kéo về Nagasaki đến Dejima tìm gặp các vị bác sĩ này để “tầm sư học đạo”. “Đạo” ở đây là Lan học, có nghĩa là cái học của khoa học kỹ thuật Tây phương. Năm 1774 bộ sách y khoa về giải phẫu học tiếng Nhật đầu tiên và cũng là quyển sách khoa học đầu tiên, “Giải thể tân thư”, ra đời dựa theo nguyên bản tiếng Hà Lan. Từ đó Lan học và phong trào dịch thuật lan rộng cả nước nhanh chóng như lửa rừng, đồng thời đẩy lùi cái học “ngũ thư, tứ kinh” vào bóng tối. Những môn học khác như thực vật học, dược học, nông học, vật lý học, hóa học, toán học lần lượt được phổ biến. Thời thế tạo anh hùng. Vào đầu thế kỷ 19, những nhà Lan học lỗi lạc xuất hiện, lập trường học đào tạo nhân tài, đặt một nền tảng khoa học kỹ thuật cho cuộc vận động Minh Trị Duy Tân sau này.

Ngày nay Dejima không còn là hòn đảo nữa. Trên địa điểm cũ những ngôi nhà xưa được phục nguyên và sinh hoạt của người Hà Lan được tái hiện theo tài liệu lịch sử. Bộ sách “Giải thể tân thư” và bộ tự điển đầu tiên Nhật – Hán – Anh – Hà Lan viết bằng tay được trưng bày tại đây cho thấy sự cầu tiến và kiên nhẫn của các nhà Lan học.

Cùng với tinh thần phân tích, suy diễn, cải thiện và khiêm tốn học hỏi thấm sâu trong tư duy người Nhật, cái bắt tay năm xưa đã giúp Nhật Bản ngày nay phát triển thần kỳ về mọi mặt và tỏa sáng rực rỡ giữa muôn ngàn tinh tú.

 

Tháng 8|2015

#NguyenNgocDieu

Trả lời