Báo Quốc Tự – Chốn thanh tịnh giữa lòng Nga Mi Sơn

Rời Lạc Sơn, chúng tôi tiếp tục hành trình hướng về núi Nga Mi, nằm trên khu vực rìa phía Tây của lòng chảo Tứ Xuyên theo hướng cao nguyên Thanh Tạng.

Nga Mi Sơn nổi danh khắp Trung Hoa cũng như toàn thế giới với phong cảnh hữu tình, vừa nên thơ lại vừa hùng vĩ, được mệnh danh là thánh địa Phật giáo bởi nét linh thiêng và sự quy tụ của những đền thờ, những ngôi chùa Phật giáo cổ kính. Trong đó phải kể đến Chùa Báo Quốc, toạ lạc ngay lối vào dưới chân núi, được xem là cửa ngõ vào núi và là điểm xuất phát để tham quan Nga Mi sơn nổi danh khắp Trung Hoa đại lục. Nơi đây được bao bọc và bảo vệ bởi những ngọn núi xanh mọc lên tầng tầng lớp lớp tạo nên một cục diện vô cùng tráng lệ và uy nghi, quả thực là nơi chốn linh thiêng của Phật giáo .

Chùa Báo Quốc ngự ở Phượng Hoàng Bình (Fenghuangping) thuộc thành phố Nga Mi Sơn ở tỉnh Tứ Xuyên, có tổng diện tích 40.000m2, hướng mặt từ Tây sang Đông. Với lối kiên trúc độc đáo, Báo Quốc Tự lột tả được vẻ đẹp qua hàng ngàn năm lịch sử. Trước mặt và sau lưng chùa đều có bức thành khắc Phụng Hoàng, bên trái thì gần hồ Phụng Hoàng và bên phải có đình Lai Phụng, nói lên sự đẹp đẽ cát tường. Trước cổng chùa, tấm bảng ghi 3 chữ “Báo Quốc Tự” lớn là do hoàng đế Khang Hy đời Thanh tự tay ngự đề. Đây là một trong 8 ngôi chùa trọng điểm và cũng là ngôi chùa lớn nhất tại quần thể núi Nga Mi.

Báo Quốc Tự được xây dựng vào thời Vạn Lịch nhà Minh (1573 – 1620) nhưng theo tương truyền rằng cũng có thể ngôi chùa chính thức được đặt nền móng vào năm 1615 và buổi ban đầu ấy gọi là Hội Tông Đường, lấy ý nghĩa thờ 3 tôn giáo (Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo) làm tên. Song trải qua nhiều biến chuyển và sự tàn phá trong lịch sử, Hội Tông Đường đã dời đi nơi khác, và vào đầu đời Thanh, năm Thuận Trị thứ 9 (1652 CN) có một vị hành tăng tên Văn Đạt đến trùng tu. Rồi tới năm Khang Hy thứ 42 (1703 CN), Vua căn cứ vào Kinh Phật lấy ý nghĩa Báo quốc chủ ân và ban cho tên Báo Quốc Tự.

Từ cổng vào là sơn môn, điện thờ Di Lặc, điện Đại Hùng, điện thờ Thất Phật (bảy vị Phật), điện thờ Phổ Hiền và lầu chứa kinh văn nhà Phật…

Ở ngôi điện thứ hai của chùa là Đại Hùng Bảo điện, trong điện thờ Phật Thích Ca ngồi trên tòa sen, bên trái của Phật là tượng Bồ Tát Văn Thù và bên phải là tượng Phổ Hiền. Hai bên bàn thờ của mỗi vị Bồ Tát đều có các câu đối liễn ca ngợi đại nguyện và đại trí của các Ngài.
Sang đến điện thứ 3 là Thất Phật điện, chính giữa khám thờ là tượng Bổn Sư Thích Ca và sáu tôn tượng của Phật quá khứ: Câu Lưu Tôn Phật, Câu Na Hàm Mâu Ni Phật, Ca Diếp Phật, Tỳ Xá Phật, Thi Khí Phật, Tỳ Sá Thi Phật. Các tượng này được tạo bằng nghệ thuật rất tinh thâm, vừa phòng ẩm, vừa phòng mọt, không bị nứt, và rất bền bỉ với thời gian.
Sau Thất Phật điện là điện thờ tượng Quan Âm cầm dương chi, rất phổ thông đối với người Trung Hoa. Điện đường nằm trên cùng và cao nhất của chùa Báo Quốc là điện của Ngài Phổ Hiền. Cả chùa Báo Quốc từng viện từng cảnh, tất cả điện đường kiến trúc tổng cộng nằm trên một vùng núi hơn 60 mẫu đất.

Được xây dựng với những bức tường màu đỏ và lối bài trí kiểu sân trong trang trọng. Hai bên là khu vực dành cho các nhà sư tu tập và sinh hoạt, được bao quanh bởi các tòa nhà sân vườn như Tháp Yincui, Nhà núi Daiyue, Huaying Pavilion, Qixiang Pavilion,… Nhìn tổng thể bố cục chùa Báo Quốc chặt chẽ, hài hòa giữa những gian điện và thiên nhiên xung quanh…

Chùa là nơi cửa phật thờ cúng, tu tập nhưng rất được đầu tư về mặt kiến trúc. Nơi đây được ví như kho tàng hội họa với các tác phẩm điêu khắc và các tác phẩm nghệ thuật có tuổi đời vạn niên, cổ kính uy nghi. Những gian điện có mái bông bay, các ngôi sao hai bên liên tục rơi xuống, đường nét ba chiều với đủ loại hình dáng, phản ánh đặc điểm phong phú, đa dạng của các công trình cổ được tạo tác bởi các bậc nghệ nhân xưa…
Vào những hôm trăng thanh gió mát, ghé cửa Phật nghe tiếng chuông chùa, hòa vào bầu không khí hương khói và mùi núi rừng Nga Mi tràn ngập mọi giác quan, dường như mọi thư thái và bình an sẽ chạm đến tận đáy lòng…

Tháng 04|2025

#nguyenngocdieu

Trả lời