Kushinagar – Nơi Đức Phật nhập Niết Bàn

Tạm biệt Nepal, chúng tôi nhanh chóng lên đường quay trở lại biên giới ngay từ sáng sớm để kịp làm thủ tục nhập cảnh vào Ấn Độ trước buổi trưa và tiếp tục cuộc hành trình hướng về thánh tích Kushinagar (Câu-Thi-Na), nơi xưa kia Đức Phật đã xả bỏ báo thân sanh diệt, an trú vào niết bàn bất diệt.
Dòng người từ khắp nơi đổ về chiêm bái Đền Mahaparinirvana – nơi đặt bức tượng Đức Phật dài 6 mét nằm nghiêng về bên phải, đầu quay về phía Bắc, mắt nhìn về hướng Tây ở tư thế nhập niết bàn; Đền Đại Niết Bàn – nơi tôn thờ xá lợi của Đức Phật và Bảo tháp Ramabhar Stupa – nơi làm lễ hỏa táng Đức Phật, lặng lẽ nối tiếp nhau thành hàng dài đi theo vòng tròn kora quanh thánh tích thiêng liêng và thành tâm đảnh lễ trong một bầu không khí trang nghiêm giữa những lớp gạch cũ trường tồn theo thời gian, giữa những cội bồ đề trầm mặc rêu phong cổ kính, giữa những vị tăng sư đang trì tụng thiền định bên tháp xưa, giữa ánh nắng tơ vàng ban chiều hắt bóng nghiêng nghiêng trên thảm cỏ non xanh để rồi mang theo trong mình một cảm giác yên bình, thanh thoát, bồng bềnh, tinh anh…
Ngôi đền Đại Niết Bàn to lớn có chiều cao khoảng 45m, đường kính khoảng 10m. Đây là một ngôi đền có màu trắng, xây kín xung quanh, không có cửa ra vào. Đền được xây trên một nền gạch cao khoảng 2,7m có hình tròn trụ, với mái hình vòm tròn, phía trên vòm tròn ấy được xây một khối hình trụ nhọn dần lên tận đỉnh, hình trụ ấy gồm ba tầng, cao khoảng 5,5m.
Gần mười thế kỉ trôi qua kể từ thời vua Asoka, đến thế kỉ thứ VII, cao tăng Trần Huyền Trang đến chiêm bái thánh tích này thì đền Đại Niết Bàn cổ đại vẫn còn và ngài đã ghi chép trong cuốn kí sự của mình: “Về phía Tây Bắc của thành này khoảng 3 đến bốn dặm, băng qua dòng sông Ajitavati (A-tỳ-ba-phạt-để), không xa về phía tây của bờ sông này, chúng ta đến một rừng cây Ta La. Cây Ta La giống như cây Huk, vỏ cây màu trắng xanh, lá cây lóng lánh và trơn dịu. Nơi này có bốn cây thật cao, đây là nơi đức Như Lai đã nhập niết bàn, tại đây có tinh xá bằng gạch rất lớn. Trong tinh xá này có một tượng đức Phật nhập niết bàn, ngài nằm quay đầu về hướng bắc như đang ngủ. Bên cạnh tinh xá này là bảo tháp do vua A Dục xây dựng, mặc dù đã hư sụp, nhưng cũng còn cao gần 60 mét”.
Đền Mahaparinirvana – nơi đặt bức tượng Đức Phật dài 6 mét nằm quay đầu về hướng bắc ở tư thế nhập niết bàn…
Đền Mahaparinirvana, được dựng mới trên nền ngôi chùa cũ vào năm 1956 để chuẩn bị cho đại lễ Phật Đản năm 2500. Trong chùa thờ pho tượng Đức Phật nhập Niết Bàn, nằm nghiêng về bên phải, đầu quay về phía Bắc, mắt nhìn về hướng Tây. Các nhà khảo cổ cho rằng bức tượng được đặt ở chính vị trí ngày xưa Đức Phật đã nhập Niết Bàn. Bức tượng xuất hiện từ thế kỷ thứ 5, tạc từ một khối đá sa thạch dài hơn 6m, được đặt trên một bệ gạch dài khoảng 7m. Nét mặt từ bi của Đức Phật khiến nhiều lớp người xúc động…
Gần ngôi chùa là hai cây sala tỏa bóng xuống lối đi, những mắt lá dài xanh biếc. Cây sala là loài thân gỗ, với những chùm hoa dài mọc ra từ thân cây và có mùi hương dễ chịu. Trong kinh điển, Đức Phật nhập Niết Bàn dưới tán cây sala, và khi đó rừng sala đồng loạt trút lá.
Cách quần thể chùa và tháp khoảng hơn một cây số về phía đông là khu lăng mộ Ramabhar – được coi là nơi làm lễ trà tỳ cho Đức Phật. Tên gọi Ramabhar được đặt theo tên của một hồ nước gần đó, còn cư dân địa phương vẫn gọi tháp là Angara Stupa (tháp Di Cốt). Ramabhar là một ngôi tháp gạch có kiến trúc hình tròn giản dị, đường kính 34,14m, được dựng trên một bệ tròn nhiều tầng có đường kính chân nền 47,24m.
Một vị tăng sư đang trì tụng thiền định bên Bảo tháp Ramabhar Stupa – nơi làm lễ hỏa táng Đức Phật…
Bảo tháp Ramabhar Stupa – nơi làm lễ hỏa táng Đức Phật…
From Kushinagar with 💛

Trả lời