Sau 85 năm sống một cuộc đời chỉ tận tâm với công việc và lãng mạn trong cô độc, vào ngày 19/2/2019, Nhà thiết kế tóc bạc đầu lĩnh của những thương hiệu thời trang danh tiếng thế giới Chanel, Fendi, Chloé đã từ giã giới mộ điệu toàn cầu và cô mèo yêu quý Choupette của mình để bước tiếp vào khu vườn sáng tạo vĩnh hằng tràn ngập ánh sáng của ông.
Hãy cùng lật lại một trang nhật ký của Karl để hiểu về một nếp sống quy củ nhưng cũng tràn đầy hơi thở lãng mạn mà ông đã từng trải qua trọn vẹn như thế nào bạn nhé.
8h: Thông thường giờ này Karl Lagerfeld đã thức dậy. “Tôi ngủ cố định 7 tiếng mỗi ngày. Nếu ngủ lúc 2h, tôi sẽ dậy lúc 9h. Còn nếu lên giường lúc nửa đêm, chắc chắn 7h tôi sẽ tỉnh. Tôi không bao giờ thức dậy nếu chưa ngủ đủ giấc. Nhà có thể sập, nhưng tôi vẫn phải ngủ đủ 7 tiếng!”, Karl nói.
Khi đi ngủ, Karl mặc áo trắng tay dài làm bằng chất liệu vải poplin hoàng gia, do nhà may Hilditch & Key ở Paris thiết kế theo mẫu trang phục ngủ của thế kỷ 17, thứ mà nhà thiết kế đã nhìn thấy trong Bảo tàng Victoria and Albert.
Căn phòng toàn màu trắng của nhà thiết kế hãng Chanel. |
Karl chia sẻ: “Bữa sáng của tôi gồm hai cốc protein lỏng do bác sĩ riêng chế biến. Nó không đường nhưng có vị chocolate, kèm thêm vài quả táo hấp. Vậy là đủ, không hơn không kém. Tôi cũng không thích đồ uống nóng, không uống trà hay cà phê. Tôi ít khi tập thể dục vì bác sĩ bảo là không cần thiết, nhưng khi trẻ tôi từng tập rất nhiều.
Karl Lagerfeld đọc hầu hết báo cáo, bản phác thảo, sách và tài liệu vào buổi sáng. Trong đó có cả những tờ báo của Anh, Pháp, Mỹ và Đức. Có một chiếc ghế ở gần cửa sổ, nơi ông vừa đọc sách vừa ngắm sông Seine và bảo tàng Louvre. “Và mơ mộng nữa, mơ mộng trong giới thời trang quan trọng lắm!”, nhà thiết kế bộc bạch.
11h: Karl đi cắt tóc. “Không bao giờ tôi muốn những sợi tóc lòa xòa trước mặt khi đang vẽ. Tóc tôi không hẳn là trắng hoàn toàn, nó hơi ngả xám. Nhưng tôi không thích màu đó chút nào, vì vậy tôi thường dùng một loại dầu gội đầu khô riêng để làm trắng”, ông tiết lộ.
Thư viện sách tại nhà riêng của Karl. |
12h: Karl sẽ không tắm rửa và thay đồ cho đến khi ăn trưa vì công việc khá bẩn, toàn dùng màu và nước. Ông mặc luôn áo ngủ để làm việc trước khi đem chúng và ga giường ra tiệm giặt mỗi ngày. “Ông hoàng của Chanel” cho biết: “Phải nói là tôi thích những kiểu cổ điển và tất cả phải toàn màu trắng bởi màu trắng sẽ không che giấu được điều gì. Mọi người thường không thích màu này vì khó giữ sạch. Nhưng với tôi, thật là sung sướng nếu mỗi đêm được ngủ trên một chiếc giường trắng tinh với những chiếc gối tuyệt đẹp, thơm mới, không tỳ vết. Thật hoàn hảo!”.
Những bộ trang phục đi làm của Karl Lagerfeld gồm hai loại. Một chiếc áo khoác đuôi tôm bằng vải tweed đặc biệt của Dior, không phải mẫu hay thấy trong lễ cưới. Một loại khác là mẫu áo khoác trong bộ sưu tập Dior mới nhất dành cho nam. “Tôi mua những năm cái, vì thế mà mọi người nghĩ rằng tôi mặc giống nhau mỗi ngày, thật sự thì chẳng có cái nào như cái nào. Và tôi mặc những thiết kế jeans nằm trong bộ sưu tập mới nhất của mình. Chúng có màu xám tối, in hình gương mặt và tiểu sử của tôi trên đó, nhưng phải nhìn tận mắt mới thấy rõ”, Karl chia sẻ.
Phòng thay đồ của nhà thiết kế nhiều đồ đến nỗi Karl thường chỉ lấy những thứ nhìn thấy đầu tiên. Ông còn giữ tất cả quần áo từ 10 năm trước lúc còn làm ở Dior, nhưng ông cũng cho biết có lẽ sau này sẽ tặng cho viện bảo tàng. “Trong đó có những thiết kế độc nhất vô nhị mà tôi sẽ không mặc lại lần thứ hai, vì bạn biết đấy, cuộc sống lúc nào cũng thay đổi”, ông bày tỏ.
Karl thích ngồi đọc sách bên cửa sổ. |
Khi mọi thứ đã xong, Karl sẽ đi ngâm bồn. Ông không bao giờ ăn trưa, mà nếu có thì cũng là gọi thức ăn đến nhà. Karl có hai căn nhà, một cái chỉ dùng để ngủ và vẽ phác thảo, căn còn lại cách đó không xa, là nơi ăn trưa, ăn tối và gặp gỡ mọi người. Thậm chí nếu có một ngôi nhà thật lớn, Karl bày tỏ vẫn muốn ở một mình: “Nếu tôi có nhu cầu, tôi sẽ gọi mọi người đến ngay. Studio cạnh nhà, văn phòng cũng là cạnh nhà, mọi thứ đều ở cạnh nhà. Tôi không muốn ai vào nhà của mình cả”.
16h: Trên đường đến studio của Chanel, Karl rất thích ngắm cảnh, đặc biệt là Paris. “Chưa bao giờ tôi chán ngắm nhìn Paris cả. Nhiều người ngồi trên xe chỉ biết chúi mũi vào màn hình di động và chẳng thấy được thứ gì khác”, ông nói. Trên đường, Karl cũng ghé qua vài chỗ như Galignani – tiệm sách yêu thích của ông và đôi khi còn đến cửa hiệu thời trang Dior dành cho nam.
Karl có hai tài xế và vài chiếc xe riêng. Một người chở ông đi vào buổi sáng, mua sắm vài thứ và kiêm luôn việc giao báo hàng ngày. Người còn lại, Sebastian, đồng thời là thư ký riêng của ông, làm việc từ trưa cho đến tận đêm khuya.
17h: Ông đến studio rất muộn vào buổi chiều vì muốn buổi trình diễn thử được mọi người chuẩn bị sẵn sàng trong phòng làm việc. Karl sẽ duyệt chương trình đến 20h hoặc 20h30. Công việc phác thảo ông đều làm vào buổi sáng hoặc buổi tối, hoặc cuối tuần và làm tại nhà rồi gửi bản thảo qua điện thoại. Ông không thường xuyên làm việc ở studio vì công việc mang đậm chất ý tưởng.
Một góc làm việc trong studio của Karl. |
21h: Chuyện ăn tối thì tùy ngày. Karl không đi ăn ngoài nhiều vì luôn đi làm về trễ. Việc bận bịu và hài lòng với công việc trong ngày khiến ông không có nhu cầu cho những buổi ăn tối mang tính xã giao. Karl tâm sự: “Những người từng đi ăn tối với tôi, hoặc là họ mất rồi, hoặc là không tồn tại nữa. Thi thoảng, tôi đến nhà hàng Maison du Caviar, hoặc Rue des Saint-Peres, sau đó thì về thẳng nhà”.
Karl ghét cụm từ “thói quen thường ngày”. “Điều tôi ghét nhất là mỗi khi bạn nhìn vào đồng hồ và rồi hối hả cho bữa ăn tối. Tôi biết với một số người, chuyện ăn tối là quan trọng. Còn tôi thì cảm thấy mệt lắm, tôi từng bỏ qua rất nhiều bữa tối trong đời mình”.
Còn chuyện nghỉ ngơi sau đó, ông thường đọc sách để thư giãn, sau đó chơi với cô mèo Choupette. Con mèo giống một nàng công chúa được nuông chiều hết mực ở nhà. “Nó cũng rất ngoan, không bao giờ trốn ra ngoài đường hay đi đâu khác”, ông kể.
—
ABOUT KARL LAGERFELD
Đầu tiên và trước hết, tên thật của ngài không phải là Karl Lagerfeld và ngài cũng không phải người Pháp.
Được khai sinh với cái tên Karl Otto Lagerfeldt, ngài Karl chào đón cuộc đời ở Hamburg (Đức) và chỉ chuyển đến Pháp vào năm 14 tuổi. Điều thú vị là kể cả trong thời đại bùng nổ thông tin và mạng xã hội như hiện nay thì một số thông tin cá nhân cơ bản của ngài Karl vẫn là ẩn số, tiêu biểu như ngày tháng năm sinh của ông. Con số mà ngài tự bạch trước công chúng là 1938, con số hiển hiện trong hồ sơ khai sinh đăng kí ở địa phương trên tờ Bild am Sonntag của Đức thì là 1933. Cho đến hiện tại, toàn thể thế giới đã thống nhất rằng 85 là số tuổi hưởng dương của huyền thoại này.
Như một hiển hiện của cái thói kỳ tài giữa trần đời, tuổi thơ của Karl khá cô đơn. Ông chẳng mấy khi hứng thú chơi với đám trẻ khác, thay vào đó tự xây đắp cho mình một thế giới riêng chỉ bằng vẽ và đọc. Báu vật sơ khai của cuộc đời Karl chỉ đơn giản là một quyển tạp chí hoạt hình còn sót lại từ những năm đầu của thế kỷ 20. “Từ giây phút ấy, tôi chợt nhận ra “hoạt hình” thật sự là một bức tranh rất đẹp”, ngài từng chia sẻ. Có lẽ duyên số với những đường nét diễm lệ trên trang giấy cũng bắt đầu từ đây.
Đó chỉ là những râu ria bên lề cuộc đời vĩ đại của Karl. Thời đại đã sinh ra ông, nam nhân được bảo hộ dưới chòm sao Xử Nữ, như dấu hiệu cho thấy sự hiện hữu của một lăng kính vạn hoa rực rỡ đủ sắc màu nhưng vẫn đủ tường tận để soi tỏ mọi ngóc ngách của cuộc sống, dù đó có phải là vải vóc váy áo hay chăng. Với tài năng thiên bẩm tự trui rèn từ thời thơ ấu, tố chất thời trang sơ khai của Karl bộc lộ qua đôi tay nhoay nhoáy với những bản vẽ phác thảo phục dựng đủ mọi phong cách thời trang Tây phương. Năm 22 tuổi cận kề cũng là lúc ông tiến sát hơn với xa hoa phù phiếm thông qua vị trí trợ lý của NTK lỗi lạc Pierre Balmain. Thành tựu ban đầu này sẽ còn oanh liệt hơn nếu bạn biết rằng để đạt được vị trí này, con số ứng viên mà Karl phải vượt qua là… 200.000. Karl mô tả giải thưởng này tựa như một quả cầu tuyết lăn tròn trên sườn núi kiến tạo nên màn lở tuyết hoành tráng, ngoài mong đợi và rất ngẫu nhiên.
“Tôi chán ngấy vị trí trợ lý và không phù hợp để làm việc đó. Nếu bạn cứ mãi dậm chân ở vị trí này, điều đó thật đáng thất vọng” – ấm chỗ được ba năm bên cạnh Balmain, Karl tự mở đường cho mình đến với vị thế cao hơn: Giám đốc nghệ thuật của nhà mốt Jeans Patou. Đến tận lúc này ông mới tin chắc rằng mình không lạc lối như những hoài nghi trước đó của mẹ ông, bà Elisabeth, mặc dù đến tận khi gần đất xa trời ông vẫn còn bó buộc bản thân vào thói quen đeo găng tay hở ngón chỉ vì lời chê bai về bàn tay thô kệch từ chính miệng mẹ mình lúc thiếu thời. Phải vậy, mẹ của Karl là một người phụ nữ mà theo ông là hoàn hảo, một hình mẫu khiến Karl phải tự nâng cấp bản thân cho xứng tầm với dòng máu chảy trong huyết quản. Và hơn cả di truyền về căn bệnh rối loạn cưỡng chế, mẹ của Karl còn để lại cho ông một kỹ nghệ tuyệt vời trong khoản… gây đau đớn cho người khác bằng ngôn từ. Chẳng hạn như khi được hỏi về Balmain – một trong những người thầy đầu tiên của mình, Karl xổ toẹt: “Ông ấy phức tạp, hợm hĩnh và chẳng tử tế chút nào, nhưng tôi rất thích xem ông ta làm việc.”
Năm 1963, Karl rời Patou. Ông hoạt động tự do, với kim chỉ nam rằng “sự trung thành tuyệt đối sẽ giết chết tính sáng tạo”. Quan điểm của Karl khá đúng kể cả trong thực tại, khi các nhà thiết kế phải loay hoay với con số KPI của từng tập đoàn khổng lồ đang thâu tóm gần hết các nhà mốt danh tiếng trên thế giới. Họ “nhảy việc” thoăn thoắt năm từng năm, với vài cái tên quen thuộc lặp đi lặp lại đổi ngôi ở cái ghế Giám đốc sáng tạo từng nhà mốt, trong khi kể từ năm 1965 trở đi cuộc đời Karl Lagerfeld chỉ gắn bó với với 3 tên tuổi lớn nhất: Chloe, Fendi và Chanel; hay chăng ông còn sở hữu thêm một thương hiệu mang tên chính mình. Cũng bởi tính kiên định vững vàng mà Karl tự nhận rằng mình ắt là NTK… bị ghét nhất. “Cá nhân tôi chẳng bao giờ phàn nàn về công việc, chắc đó là cái lý để đám NTK khác ghét tôi. Thật vô lý khi họ gắng đổ lỗi cho tôi về những rắc rối của chính họ. Thử nghĩ mà xem, nếu bạn làm trong doanh nghiệp tỷ đô thì với tư cách của một nhà thiết kế đầu lĩnh, bạn phải theo kịp công ty”, đây là câu trả lời của Karl khi bị cánh phóng viên dò hỏi về màn chia tay kịch tính của Raf Simon với Dior.
Trở về với sự nghiệp của Karl, ông có 17 năm đồng hành cùng Chloé với hàng loạt cải tiến như bỏ lớp lót cùng loạt chi tiết rườm rà nhằm tăng tính ứng dụng và độ thoải mái của thiết kế. Tinh thần lãng mạn và sang trọng mà Karl tô vẽ cho Chloé khiến cái tên của ông đến gần hơn với những huyền thoại xứng tầm lúc đương thời như Đệ nhất phu nhân nước Mỹ Jackie Kennedy, nữ minh tinh Brigitte Bardot, Công nương Monaco Grace Kelly. Đến 1972, ông cộng tác với Fendi, bao phủ tinh thần vương giả lên những sản phẩm bằng lông thú xa xỉ và đồng thời cũng như lời tuyên chiến với hiệp hội bảo vệ động vật PETA. Mối thù dai dẳng và hằn sâu đến mức kể cả khi Karl vừa nằm xuống với đất muôn đời cũng là lúc PETA thủng thẳng rằng: “Karl đã ra đi và mang theo luôn cả cái kỷ nguyên lông thú lẫn đồ da đáng kinh hãi của ông ta”. Nếu có đội mồ sống lại, ắt Karl sẽ vỗ mặt PETA bằng một lời thật gọn nhưng thật cay…
Thật oái oăm khi câu chuyện của cuộc đời Karl đến hồi hấp dẫn nhất cũng là khi một cái tên bước vào kỳ viên tịch: Coco Chanel. Ông đảm nhận vị trí Giám đốc sáng tạo của nhà mốt trứ danh với 2 chữ C lồng ngược vào nhau sau khi Coco qua đời, để lại những di sản dần đi đến hồi lụi tàn sau gần một thập kỷ bỏ bê. Bằng trí lực tự thân và những nổi loạn không kiêng dè, Karl Lagerfeld bóc tách hết những mộng mơ xưa cũ và tô màu thành thị vào váy áo của Chanel. Đỉnh điểm trò ngông của Karl là khuôn mặt tím tái của “Lệnh bà” Anna Wintour, khi chứng kiến ngôi sao khiêu dâm Moana Pozzi và cả tá vũ công thoát y nhón bước trên đường băng thay vì những người mẫu chuyên nghiệp. Đó là show diễn năm 1990, được báo giới mô tả rất ngắn gọn: “cuộc thác loạn”.
Với 36 năm thượng đỉnh tại Chanel, những tinh hoa của Karl vẫn còn lưu dấu mãi. Điều đáng tiếc lớn nhất chính là sự vắng mặt của ông tại show Haute Couture mùa Xuân-Hè 2019 vừa qua, như một điềm báo không may…
Cả thế giới biết rằng Karl Lagerfeld đồng tính, ông cũng có thèm giấu đâu. Mỗi tội ông yêu ai, thương ai thì lại chẳng mấy người được biết.
Tình sử của ngài Karl, đình đám nhất là cái tên Jacques de Bascher – một gã “trai hư” được sinh ra tại Sài Gòn vào năm 1951. Theo cuốn tiểu sử về nhân vật này do phóng viên Marie Ottavi chắp bút thì Jacques đến với Karl khi ngài đã có sự nghiệp tròn trịa với Fendi và Chloé, còn gã thì mới 19 đôi mươi với một quá khứ ăn chơi nức tiếng. Hai người ở bên nhau cho đến khi Jacques mất vào năm 1989, hưởng dương 38 tuổi, vì căn bệnh AIDS.
Ngài Karl, như lẽ tất nhiên, chẳng bao giờ hó hé về mối tình đã khiến ông vụn vỡ tan tành đến mức chỉ muốn giữ mình thanh tịnh trong ngôi nhà vắng và chú mèo. Xung quanh tình sử này còn vài đồn đoán về cuộc sống phóng túng của Jacques với Saint Laurent, người đã thuê anh trai của gã – Xavier de Bascher – vào chân quản lý cho nhà mốt. Những cuộc hò hẹn của họ tại quán rượu “le 7” trên đường Sainte Anne (Paris) chắc vẫn còn trong ký ức nhiều người, nơi tụ hội hàng loạt cái tên bất hủ như Andy Warhol hay Paloma Picasso. Đây có thể là nguyên do khiến Karl Lagerfeld và Saint Laurent không nhìn mặt nhau trong suốt nhiều năm ròng.
Cái tên thứ hai in đậm trong tình sử của ngài Karl là nam người mẫu Baptiste Giabiconi, hay một “chàng thơ” theo cách mọi người vẫn quen mồm. Tuy bén duyên nhau khi Karl đã vào độ tuổi… ông của chàng mẫu trẻ, thế nhưng cánh săn ảnh vẫn đều đều như vắt chanh chộp được khoảnh khắc đôi bên sóng sánh bên nhau trông khá lạ đời: Karl vận suit chỉn chu được may đo thủ công từ Itali trong khi chàng tình nhân thì phô tràn sức sống với chiếc quần shorts khó có thể ngắn hơn.
Từng khẳng định là phải lạ lạ một chút mới đẹp, thế nên trong mắt Karl thì hình mẫu lý tưởng nhất chính là những chàng diễn viên… phim cấp 3. Ông chẳng ngần ngại tán tụng rằng các chàng này rất ư là hấp dẫn (đương nhiên!) và mãnh liệt (càng đúng!). Hơn hết là họ rất “ngoan”: “Tôi thực sự thích ngắm nhìn những ngôi sao phim khiêu dâm. Hầu như họ đều xuất thân từ những hoàn cảnh éo le, khó khăn nên họ rất ngoan ngoãn, chăm chỉ, tu chí làm ăn và khá ngọt ngào”.
Với những tiêu chuẩn về vẻ ngoài như vậy, nam siêu mẫu Brad Kroenig cũng đã lọt vào mắt xanh của ngài Karl và được yêu chiều hết mực. Có điều phải khẳng định rằng đây không-phải-là-mối-quan-hệ-yêu-đương, mặc dù chàng ta tháp tùng ngài khắp thế giới: từ những show diễn đến các buổi tiệc tùng hay kỳ nghỉ trên bãi biển St Tropez. Con trai của Brad – cậu bé Hudson Kroenig – cũng đã trở thành “chàng thơ” tay trong tay ngài Karl trong show diễn Haute Couture, thậm chí ngài còn nhận làm cha đỡ đầu cho cậu. Nguyên do đâu mà Karl yêu chiều Brad bất chấp giới tính chàng ta rất thẳng thớm? Đơn giản là bởi… Brad đẹp. “Ngài ấy từng bảo với tôi rằng ngài ấy ghét những người xấu xí”, Brad nói về đặc quyền của bản thân, “trông rất chán đời”.
Còn với cánh nam nhân khác trong vai trò đồng nghiệp thì thái độ của ngài Karl khá thờ ơ lãnh đạm. Hiếm hoi lắm ông mới dành lời khen cho một người con trai, chẳng hạn như Haider Ackermann. Năm 2010 ông từng bộc bạch rằng đây có thể là người thay ông cầm lĩnh Chanel và cho đến 8 năm sau, khi được hỏi lại thì ông chỉ qua loa cho xong theo kiểu “Đúng vậy, tôi từng nghĩ thế nhưng đó là thời gian dài trước kia”. Thậm chí từng có phóng viên hỏi vui mồm rằng liệu ngài muốn tận hưởng một ngày dài trên đảo hoang với ai – Virgil Abloh, Jacquemus hay Jonathan Anderson – ngài Karl thủng thẳng: “Tôi sẽ tự sát trước tiên!”
Không còn đàn ông, tình yêu của Karl Lagerfeld trở nên xông xênh đến lạ đến với chú mèo Choupette. Tự Karl thấy đây là duyên lạ, với cái điềm là chòm râu dê của ông trông rất giống chú mèo ấy khi ông ngắm nhìn lại bức chân dung nổi tiếng do Helmut Newton chụp 40 năm trước.
“Tất nhiên là không thể xảy ra hôn nhân giữa người và động vật. Mặc dù vậy tôi không bao giờ nghĩ rằng tôi có thể yêu một con mèo nhiều đến thế”. Những nồng nàn Karl không thể tìm kiếm được ở nhân sinh, đổ dồn hết vào Choupette. Và nếu bạn có ngỡ ngàng không hiểu răng tình yêu giữa người và mèo kia giá trị thế nào, thì xin biết rằng Karl đã từng bán đồ chơi mang hình dạng “cô người yêu” với giá €459 kèm theo lời đề tựa rất oai: “Chào, tôi là Choupette. Không hề khiêm tốn khi nói rằng tôi là con mèo nổi tiếng nhất trên thế giới. Tôi phải thừa nhận rằng tôi đã được sinh ra dưới một ngôi sao may mắn – ở độ tuổi rất trẻ, tôi đã gặp người đàn ông trong những giấc mơ của tôi: Karl Lagerfeld! Đây thực sự là “tình yêu từ cái nhìn đầu tiên” đấy!”.
Ngoài chú mèo xinh luôn kiên nhẫn chờ đợi chủ nhân không chút phiền hà, cuộc sống những năm tháng tuổi già của Karl cũng quanh quẩn giữa hai ngôi nhà: một nơi chỉ dùng để ngủ và phác thảo, nơi còn lại họp mặt các nhân vật thiết yếu. Ông không hứng thú mời ai đến nhà chơi, cũng chẳng thiết tha những lời mời mọc dùng bữa. Bằng một giọng rất bình thản, Karl chia sẻ về sự cô đơn của tuổi già bản thân chỉ đơn giản là “những người đã từng ăn tối với tôi hoặc đã mất rồi, hoặc chẳng còn tồn tại. Thi thoảng tôi cũng ghé qua vài chỗ như Maison du Caviar hay Rue des Saint-Peres, rồi cũng chỉ về thẳng nhà.”
Đến tận cùng, chỉ có Choupette là vẫn mãi ở bên Karl, “không bao giờ trốn ra ngoài đường hay đi đâu khác” như lời ông kể. Vinh hoa hay danh tiếng, ông đã thừa thãi đến mức có bị hỏi khó về tài sản cũng chẳng ngại mồm rằng: “Tôi mà là Bernard Arnault thi tôi sẽ nói với bạn ngay. Mỗi tội tôi chả phải ông ấy, thế nên tôi không thể nói là trong tài khoản hiện tại của tôi là 72 tỷ euro. Ở Pháp có điều cấm kỵ là bạn để lại mọi thứ cho vật nuôi, chẳng hạn như chuột hamster, nhưng may mắn thay tôi không phải là người Pháp.”
Nguồn: Vnexpress.net | Trí Thức Trẻ | Internet