Trong một buổi chiều nhạt nắng nơi phố cảng xa xôi, có 3 người lạ mặt đang tìm về con đường lịch sử – Teramachi-dori – đó là một con đường dốc, dài và hẹp còn được gọi là đường xóm Chùa vì có gần 10 ngôi chùa cổ với tuổi đời hơn 300 – 400 năm mang danh hiệu Quốc Bảo tọa lạc thiền tịnh nơi ấy. Chính quyền Mạc Phủ đương thời cho phép mỗi tông phái Phật giáo được xây một ngôi chùa dọc theo con đường tiếp giáp với chân núi Kazarashira. Và hai trong số những ngôi chùa cổ kính đó, Kofukuji – Hưng Phước Tự và Sofukuji – Sùng Phước Tự, ở đầu và cuối con đường có lẽ là hai ngôi chùa cổ nhất của Teramachi.
Sau khi rẽ hướng trái rồi ngoặc góc phải qua lời chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi men theo triền núi thoai thoải, bước trên những con dốc lặng yên, leo lên những bậc đá đã phủ màu rêu phong để rồi ngỡ ngàng trước mặt là ngôi chùa Sùng Phước Tự – Sofukuji – khoác trên mình một sắc đỏ thẫm mang dáng dấp huyền bí Trung Hoa đã phai màu theo thời gian đang thấp thoáng ẩn mình giữa nền màu xanh tươi của núi rừng phía sau.
Đây là ngôi đền được di dân người Hoa ở tỉnh Phúc Kiến đến Nhật Bản từ những năm 1629, trong thời kỳ đầu lập nghiệp xây dựng với vật liệu mang từ Trung Quốc. Trong đền có khoảng 21 di sản văn hóa, bao gồm cả tượng Phật bên trong được gọi là Daiohoden, được xem là báu vật quốc gia. Đền Sofukuji có ba lối vào, thường được gọi là Tam quan. Hòa thượng Ẩn Nguyên (Ingen) đến đây truyền bá Thiền Tông (1654), lập ra trường phái thiền Hoàng Bá và trở thành một vị Đại Sư được tôn kính rất mực của Phật giáo Nhật Bản.
– Làm sao chúng con cân bằng vui vẻ và bi thương?
– Mỗi người chỉ có một trái tim, nhưng có hai tâm nhĩ thất. Một tâm chứa đựng vui vẻ, một tâm chứa đựng bi thương, đừng cười quá to tiếng, nếu không sẽ đánh thức nỗi bi thương ở bên cạnh – Phật dạy
From me with ♥
#suytưởNagasaki #cầunguyệnởNagasaki
…Kết thúc Hành trình KHÁM PHÁ NAGASAKI∗
Tháng 8|2015
#NguyenNgocDieu