Jigoku Meguri và cuộc phiêu lưu đến những Địa ngục nơi nhân thế

Sáng hôm ấy, bầu trời trông thật ảm đạm vì cơn mưa từ đêm hôm trước đến tận sớm hôm sau vẫn chưa dứt. Lặng nhìn thành phố Beppu còn đang ngủ vùi dưới chân núi Yufu, trong khi vạn vật xung quanh thì vô cùng sống động với những cột hơi nước trắng xóa bốc cao ngùn ngụt trên những mái nhà màu xám, chúng cứ mãi tuôn trào như thế không bao giờ ngơi nghỉ. Bây giờ là đang giữa mùa hè, thế nên những tia nắng và những hạt mưa suốt ngày cứ bày trò cút bắt trốn tìm nhau. Chúng tôi dùng điểm tâm rồi chuẩn bị hành trang thật gọn nhẹ và nhanh chóng tiến về một trong những nơi lạ lùng nhất trên trái đất – 9 con suối được mệnh danh là 9 lối vào cửa Địa ngục giữa chốn trần gian.

Từ cổng phía Tây của nhà ga trung tâm, thật dễ dàng đón xe bus để đến quận Kannawa, nơi đây có 7 con suối địa nhiệt mà mỗi con suối là một sự ngoạn mục riêng biệt nên được người đời gọi là Jigoku, có nghĩa là “Địa ngục”, và 2 ”Địa ngục” còn lại cũng chỉ mất có 5 phút đi xe bus từ quận Kannawa hướng về quận Shibaseki.

Và rồi đứng trước một trong những lối vào cánh cổng “Địa ngục” ấy, cảm xúc của bạn sẽ như thế nào?

Bạn sẽ sửng sốt khi nhìn thấy từng làn khói cuồn cuộn bốc lên từ lòng đất, len qua các khe đá thả vào không gian những tiếng rít rền rĩ của “Địa ngục Núi” – Yama Jigoku.
Bạn sẽ thư thái khi nhìn vào mặt nước phẳng lặng mang màu ngọc lam trong xanh biêng biếc như đại dương sâu thẳm của “Địa Ngục Biển” – Umi Jigoku – nơi có loài hoa súng Nia nở giữa tháng 5 và tháng 11.
Bạn sẽ tư lự ở “Địa ngục sư trọc đầu” – Oniishibozu Jigoku – khi nhìn thấy những bóng nước màu xám đùn lên đây đó tựa như những giọt nước mắt nóng hổi của các nhà sư đang đứng cạo đầu.

Và còn rất nhiều những cảm xúc không thể lột tả trên hành trình khám phá các hồ “Địa ngục” : Shiraike Jigoku – “Địa ngục ao trắng” còn gọi “Onsen Bạch trì”; Kamado Jigoku – “Địa ngục nồi nấu”; Oniyama Jigoku – “Địa ngục quái vật núi”; Kinryu Jigoku – “Địa ngục rồng vàng”; Tatsumaki Jigoku – “Địa ngục vòi rồng” còn gọi “Onsen Lốc xoáy” và Chinoike Jigoku – “Địa ngục ao máu” hay còn gọi “Onsen Huyết trì” – được xem là kho tàng vô giá mà Mẹ thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho thành phố Beppu hiền hòa thơ mộng.

Nếu như Địa ngục được nhắc đến trong nhiều nền văn minh và tôn giáo trên thế giới là nơi giam giữ và trừng phạt các linh hồn tội lỗi, thì “Địa ngục” nơi đây dường như là sự tái sinh, là chốn thiên đường, là giấc mơ dẫn lối cho những linh hồn bất diệt trở về cõi vĩnh hằng.

Nào, hãy cùng tôi khám phá 2 trong số 9 lối vào cửa Địa ngục giữa chốn trần gian này bạn nhé!

Khoảng 1.200 năm trước đây, ngọn núi lửa Tsurumidake đã phun trào và dòng nước nóng màu xanh cobalt tuyệt đẹp của Umi Jigoku xuất hiện từ đó, khoáng chất sắt sunfat là nguồn gốc của màu sắc đặc biệt trong hồ. Hồ nước nóng này có nhiệt độ lên đến 98oC và độ sâu đến mạch nước là 200m.

Còn được biết với tên gọi khác là “Onsen luộc trứng” vì nhiệt độ của nước trong hồ rất cao, có thể luộc được cả trứng và các loại rau củ, nên người ta không thể chạm tay vào. Mặc dù vậy, mặt nước của hồ lại rất phẳng lặng và bạn sẽ có cảm giác thật thư giãn, thuần khiết khi nhìn vào làn nước trong xanh biêng biếc này…

Đây cũng là một trong những “Địa ngục” đẹp nhất của Beppu. Đứng trước “Địa ngục Biển” – một hồ nước màu ngọc lam xanh biếc – có cảm giác như đứng trước đại dương sâu thẳm…

Lối nhỏ,
Cánh cổng đỏ,
Dấu chân nơi đó,
Lặng lẽ và quanh co…

Có một đền thờ nhỏ gần suối nước nóng Umi Jigoku thấp thoáng giữa rừng cây…Quả là một nơi vừa đẹp vừa linh thiêng.

Chào mừng các bạn đến với một trong những lối vào cánh cổng “Địa ngục” nơi nhân thế – “Địa ngục Núi” – Yama Jigoku…

Bạn sẽ sửng sốt khi nhìn thấy từng làn khói cuồn cuộn bốc lên từ lòng đất, len qua các khe đá thả vào không gian những tiếng rít rền rĩ của “Địa ngục Núi” – Yama Jigoku. Không giống như các Địa Ngục khác chứa nước nóng trong những hố sâu thăm thẳm, hơi nước nóng của Địa ngục Núi phun trào ra từ những vỉa đá của vách núi và bốc hơi nghi ngút từ những vũng nước. Khoáng chất ở Địa ngục Núi cũng giống như các Jigoku khác, tuy nhiên nhiệt độ nơi đây thấp hơn chỉ còn 90oC.

Một vườn thú mini ra đời bên cạnh hồ nước nóng để nuôi dưỡng các loài động vật như những chú chim Hồng hạc, gia đình Thỏ, bày Chuột lang nước Nam Mỹ, một con Hà mã to lớn, đàn Khỉ Nhật Bản, những chú Voi Châu Phi và những chàng Công Ấn Độ với vũ điệu tuyệt đẹp…

Đây là những chú chim Hồng hạc tuyệt đẹp, mẫu mực và sở thích đứng trên 1 chân. Còn kia là gia đình Thỏ đang ngấu nghiến những thanh carrot tươi rói qua tấm lưới chắn 1 cách ngon lành. Và không thể vắng mặt những chú mèo hoang tung tăng khắp nơi trong Địa ngục Núi rồi còn được chăm sóc khá chu đáo nữa nhé… 

Lợi dụng nhiệt của hơi nóng nơi đây, một khu rừng xương rồng ra đời đầy kiêu hãnh và rực rỡ…

Cẩn thận với gai của xương rồng bạn nhé, nhọn và sắc lắm đấy…

Sau khi dạo một vòng quanh các Hồ Địa ngục, nếu bạn cảm thấy mệt mỏi thì đây là nơi lý tưởng để bạn dừng chân và nghỉ ngơi nhé. Ngâm chân xong thì mọi nhọc nhằn đều tan biến hết…^.^

Nào chúng mình cùng ngâm chân thư giãn thôi…^.^

Chúng tôi ghé vào một đền thờ nhỏ trên đường từ “Địa ngục” trở về nhân thế. Temizuya – Giếng thanh tẩy – là nơi mà chúng tôi làm sạch tay và miệng trước khi bước vào bên trong đền…

Nếu bạn may mắn rút được một quẻ tốt, bạn có thể giữ lại bên mình như là một tấm bùa hộ mệnh. Còn nếu rút phải một quẻ xấu, bạn nên buộc nó lên trên các dây treo ở đền để xua đuổi những điều không may nhé…

From me with ♥

Tháng 7|2015

#NguyenNgocDieu

One Reply to “Jigoku Meguri và cuộc phiêu lưu đến những Địa ngục nơi nhân thế”

  1. Appreciation to my father who told me about this webpage, this webpage is actually awesome.

Trả lời